Bạn đã bao giờ gặp một người mà khi nói chuyện với họ, bạn cảm thấy cực kì thích thú nhưng không biết lý do tại sao? Cuộc đối thoại giữa hai người chỉ thoáng qua nhưng bạn vẫn cảm thấy có một sự gắn kết? Lý do rất đơn giản, vì họ biết lắng nghe.

Thực tế phần lớn các vấn đề giao tiếp bắt nguồn từ việc bạn không biết cách lắng nghe. Trớ trêu là hầu hết chúng ta đều tự cho mình là một người biết lắng nghe nhưng chúng ta lại nhắn tin, lướt web, kiểm tra email khi đang trò chuyện.

Nhiều nghiên cứu gần đây tập trung làm rõ mức độ nhận thức sai lệch này. Hầu hết các câu trả lời đều cho rằng mình là người biết lắng nghe, nhưng khi được hỏi thêm, mọi người đều thừa nhận họ dễ bị phân tâm trong khi lắng nghe.

Các vấn đề trong giao tiếp ngày càng gia tăng mà hiện đại và công nghệ chính là một phần nguyên nhân. Mặc dù công nghệ mang lại rất nhiều tiện ích nhưng nó cũng có mặt tiêu cực, nó khiến chúng ta giao tiếp với mọi người mà không cần phải gặp trực tiếp, kết quả là, các kỹ năng mềm của chúng ta dần bị xói mòn.

Hình thành lại các kỹ năng giao tiếp và trở thành một người biết lắng nghe

Tập trung vào việc cải thiện kỹ năng nghe là cả một chặng đường dài. Để giúp bạn phá vỡ những thói quen cũ, dưới đây là bốn nguyên tắc cơ bản bạn có thể sử dụng. Nhớ lại chúng trước khi nói và tất cả mọi người sẽ thích nói chuyện với bạn!

1. Khuyến khích người nói

Khi chia sẻ một vấn đề với một ai đó, họ chỉ trả lời: “Ừ” rồi sau đó cuộc nói chuyện chỉ còn mỗi bạn phụ trách? Lúc đó, bạn sẽ cảm thấy bị cắt mạch cảm xúc và hơi khó chịu.

Ngược lại, nếu bạn nói chuyện với một người biết lắng nghe, họ sẽ thể hiện sự quan tâm bằng cách khuyến khích bạn chia sẻ thêm những trải nghiệm.

Vì vậy, nếu bạn của bạn bắt đầu phàn nàn như “Mình ghét lão sếp ghê”, bạn không nên đáp trả là “Thế à”. Thay vào đó, để thể hiện bạn đang quan tâm và lắng nghe, hãy khiến họ chia sẻ nhiều hơn bằng cách hỏi thăm như: “Có chuyện gì vậy?”.

2. Thể hiện sự quan tâm bằng cách nắm bắt những điểm chính

Đôi khi, cuộc trò chuyện chuyển sang vấn đề mà chúng ta ít quan tâm và không biết phải đáp trả như thế nào, chúng ta thường sẽ cố ý tìm cách để chuyển sang chủ đề khác. Nhưng ngay cả khi bạn đã rất cố gắng che đậy, người nói vẫn sẽ biết bạn không quan tâm đến những gì họ nói.

Thay vào đó, bạn có thể nhanh chóng chứng tỏ mình là một người biết lắng nghe bằng cách nắm bắt các điểm chính của câu chuyện, kể lại cho họ hoặc đưa ra những câu hỏi có liên quan. Ngay cả khi bạn không có chút hứng thú gì về câu chuyện thì điều này cũng thể hiện bạn vẫn còn quan tâm đến những gì họ nói.

Ví dụ bạn của bạn đang say sưa nhớ lại tất cả những chiếc xe anh ta sở hữu. Bạn cảm thấy câu chuyện hoàn toàn nằm ngoài hứng thú, nhưng bạn vẫn có thể tỏ ra mình đang lắng nghe bằng cách hỏi những câu như “Bạn thích cái nào nhất?”, “Nó đặc biệt ở chỗ nào?”…

3. Đặt sự đồng cảm lên trên lý trí

Khi lắng nghe người khác nói, chúng ta thường rất háo hức để đưa ra ý tưởng hay lời khuyên cho một vấn đề. Nhưng nếu không cẩn thận, quá nhiệt tình có thể biểu lộ sự thiếu hiểu biết.

Người biết lắng nghe luôn luôn đặt sự đồng cảm lên trên lý trí khi đối thoại. Họ chú ý đến tình cảm và cảm xúc của người khác trước khi đưa ra lời khuyên.

Để trở thành một người đồng cảm, hãy thử đặt mình vào vị trí của người nói. Có một nguyên tắc cơ bản đó là: tìm cách để hiểu, trước khi được hiểu.

4. Luôn luôn kiểm soát cảm xúc của bạn

Trong cuộc nói chuyện, không thiếu những lúc chúng ta vô tình phản ứng vượt khỏi tầm kiểm soát. Khi chúng ta nhận được những lời chỉ trích hay nghe thấy những điều chúng ta không thích, nếu không đối đáp phù hợp, có thể xảy ra xích mích và dẫn đến sự cố giao tiếp.

Một người biết lắng nghe cần phải biết điều khiển cảm xúc trong mỗi tình huống. Duy trì cuộc đối thoại trong sự hòa hợp là dấu hiệu cho thấy bạn sẵn lòng lắng nghe và bạn sẽ nhận được sự tôn trọng.

Nếu ai đó đưa ra một lời bình luận mà bạn không đồng ý, hay luôn luôn giữ điềm tĩnh và bảo họ chia sẻ những ý kiến liên quan đến điều đó. Thể hiện đức tính ham học hỏi và họ sẽ đánh giá cao sự khéo léo của bạn.

Nếu bạn thực hiện 4 quy tắc đơn giản trên, tin rằng bạn sẽ rất ngạc nhiên về sự cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình và ai cũng sẽ rất thích được nói chuyện với bạn.

-BIÊN DỊCH-