Trong một thế giới mà công nghệ ngày càng phát triển, chúng ta có khả năng kết nối đến mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nó cũng dường như khiến chúng ta mất đi sự hiệu quả trong việc kết nối với mọi người. Cũng giống như việc học cách nấu ăn, phát triển phần mềm, hoặc chơi một môn thể thao; khả năng kết nối với những người khác là một kỹ năng cần thiết và bạn hoàn toàn có thể học cách làm nó hiệu quả hơn. Nó sẽ giúp bạn thành công hơn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Dưới đây là 15 kỹ năng xã hội mà bạn nên trau dồi trong quá trình phát triển bản thân

1. Nói ít, hỏi nhiều

Tiền xu thì luôn kêu còn tiền giấy thì im lặng, thay vì nói quá nhiều những thứ trong đầu bạn, chi bằng hãy nghe người khác chia sẻ những điều họ muốn nói, bạn sẽ học hỏi được hơn rất nhiều, và mọi người sẽ luôn yêu quý 1 người biết lắng nghe. Việc đặt ra những câu hỏi chất lượng cũng giúp bạn hoàn thiện được vốn sống của mình.

2. Chúc mừng chiến thắng của người khác

Khi ai đó chia sẻ tin vui với bạn, đừng ca tụng chiến thắng của chính bạn hoặc bác bỏ chiến thắng của họ – hãy vui mừng cùng với họ.

3. Để ý tới các nhóm người

Nhiều người gia nhập nhóm vì họ muốn che giấu bản thân và không thích nổi bật. Chú ý tới các nhóm người sẽ giúp bạn hiểu thêm về họ và biết được làm thế nào để kết nối với họ, dựa trên những gì họ nói hoặc cách họ biểu đạt vấn đề, và thậm chí bạn cũng sẽ biết cả về những chủ đề họ không muốn đề cập tới. Hãy chú ý tới người thích dẫn dắt câu chuyện, chủ đề mà mọi người thích, và cả những người bị cô lập khỏi cuộc trò chuyện.

4. Giao tiếp bằng mắt

Giao tiếp bằng mắt là một trong những kỹ năng cơ bản mà bạn phải nắm vững để có thể tận dụng trong mọi công việc. Giao tiếp bằng mắt với người đối diện sẽ thể hiện bạn hoàn toàn tự tin và tập trung vào cuộc nói chuyện với họ.

Tuy nhiên, nếu một ai đó không giao tiếp bằng mắt đối với bạn thì cũng có thể do người đó không thoải mái hay sợ hãi khi nói chuyện với bạn.

5. Thể hiện ngôn ngữ cơ thể theo hướng tích cực

Bạn có thể thể hiện sự tự tin, lòng tốt và khả năng lãnh đạo thông qua cử chỉ của mình. Ngẩng cao đầu, vai thẳng, ngực ưỡn…Tiến sĩ Amy Cuddy từng nói trong TED Talk rằng ngôn ngữ cơ thể mà bạn thể hiện sẽ cho biết bạn là ai. Do đó, cách mà bạn thể hiện bản thân sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm nhận của bạn về chính mình.

6. Chú ý đến những điều nhỏ nhặt

Cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng. Nhiều người đang trải qua cuộc sống trong tuyệt vọng, không nhận được sự hỗ trợ từ người thân. Chẳng qua là, họ giỏi che giấu và tất cả những gì họ thể hiện ra bên ngoài cho ta cảm giác mọi việc đều ổn và họ không cần sự trợ giúp nào cả. Hãy để ý đến cách ứng xử, hành vi và biểu hiện trên khuôn mặt của họ, bạn sẽ thấu hiểu phần nào hoàn cảnh họ đang phải đối mặt.

7. Hãy có lời khen ngợi chân thành

Điều tốt nhất mà bạn có thể mang lại cho ai đó là một sự khen ngợi chân thành. Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ vui như thế nào khi có người nói: “Bạn thật giỏi. Ước gì mình được như vậy”.

Dành cho mọi người sự khen ngợi là cách bạn thể hiện sự tự tin của mình và cũng đồng thời giúp mọi người xây dựng sự tự tin cho chính họ.

8. Đề cao người khác khi họ không ở đó

Cách mà ai đó nhận xét về một người vắng mặt có thể nói lên tính cách của họ. Nếu bạn biết một người thường xuyên nói xấu sau lưng người khác, thì có thể họ cũng nói xấu sau lưng bạn. Hãy cố gắng đề cao người khác khi họ không có mặt ở đó.

9. Lắng nghe giọng nói của mọi người

Người ta sẽ tiết lộ nhiều về bản thân không chỉ thông qua những điều mà họ nói và còn thông qua cách họ nói. Một số người có thể thích giọng nói to và nhanh, trong khi người khác lại thích nghe giọng nói mềm mại, uyển chuyển. Tùy vào từng đối tượng và hoàn cảnh mà điều chỉnh giọng nói của mình, bạn sẽ tạo ra hiệu ứng tốt khi giao tiếp.

10. Nụ cười

Nghiên cứu chỉ ra rằng những người tự tin thì thường cười nhiều hơn. Tôi không nói đến những nụ cười quá lố khiến chúng ra sợ hãi. Ý tôi là, nếu bạn cảm thấy vui vẻ hoặc hạnh phúc, bạn chắc chắn sẽ cười nhiều hơn. Bên cạnh đó, nụ cười của bạn cũng có thể kích hoạt những tế bào thần kinh trong não của người đối diện, khiến họ mỉm cười lại với bạn. Những người có kỹ năng xã hội tuyệt vời sẽ dành cho bạn một nụ cười chân thành, thay vì nói suông: “Chúng ta làm bạn nhé!”

11. Là người lịch sự

Cách cư xử của bạn là chìa khóa giúp bạn giao tiếp tốt hơn với mọi người. Những điều đơn giản mà cha mẹ dạy khi bạn còn nhỏ, đến giờ vẫn chưa từng vô dụng, đó là: “Làm ơn”, “Cảm ơn”, “Không có gì đâu”…

12. Mang lại giá trị cho xã hội

Để có được những kỹ năng xã hội tuyệt vời, bạn phải mang lại điều gì đó cho mọi người. Hãy dùng kiến thức và tất cả những gì bạn có thể để mang lại giá trị cho xã hôi, mà không yêu cầu nhận lại điều gì cả. Khi bạn chia sẻ điều tốt đẹp, bạn sẽ nhận lại niềm vui.

13. Giữ im lặng

Đôi khi, người khác sẽ không cần nghe ý kiến của bạn. Khi bạn muốn đưa ra dẫn chứng hay dữ liệu để giải thích cho quan điểm của bạn, hãy dừng lại và suy nghĩ: Bạn muốn vui vẻ hay muốn chứng tỏ bạn đúng? Dale Carnegie đã chỉ ra trong cuốn sách Đắc Nhân Tâm: Điều duy nhất để có được sự hòa hợp trong tranh luận là dừng tranh luận lại. Đôi khi việc chứng tỏ bạn đúng hay sai không quan trọng bằng việc tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái và vui vẻ.

14. Tập trung vào mặt tốt của vấn đề.

Tiêu cực có tính truyền nhiễm và lây lan rất nhanh. Đừng trở thành 1 người tiêu cực khi lúc nào cũng phàn nàn về mọi thứ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Thay vào đó, hãy nhìn vào mặt tốt của vấn đề. Bạn từng nghe câu châm ngôn: Vấn đề không phải là vấn đề, vấn đề là thái độ của bạn đối với vấn đề đó mà thôi. Điều này không có nghĩa là bạn phải mất đi tính thực tế, thay vào đó, bạn cần đối mặt với nghịch cảnh và tập trung vào những thứ mà bạn có thể kiểm soát.

15. Nhìn nhận điểm tốt của người khác

Bản chất của con người luôn là muốn mình trở nên quan trọng hơn. Nghĩa là luôn muốn hạ thấp người khác xuống để bản thân trở nên tốt đẹp. Vấn đề là, hãy trở thành người nhận ra những giá trị tốt đẹp của người khác mà ngay cả chính họ cũng không nhìn thấy.

-BIÊN DỊCH-